30 Năm Nuôi Chồng Và Hai Con Tâm Thần

12:24 |
Gần 30 năm qua, một mình bà Võ Thị Nhung (SN 1952), ở xóm 5, xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An phải chăm sóc chồng và hai đứa con bị bệnh tâm thần.

Nghị lực và tấm lòng thương con, thương chồng của người đàn bà "chân yếu tay mềm" này khiến ai chứng kiến cũng phải xót xa.
Năm 1972, bà Nhung đi dân công hỏa tuyến góp phần nhỏ bé vào cuộc chiến chống quân xâm lược bảo vệ đất nước. Đến năm 1975, bà trở về quê hương, sau đó kết duyên với ông Ngô Xuân Thung, là bộ đội chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Cưới nhau được một thời gian ông bà lần lượt sinh 3 người con (hai gái, một trai). Dù cuộc sống vật chất khó khăn, nhưng gia đình nhỏ này luôn đầy ắp tiếng cười.
Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, tai họa ập xuống đôi vợ chồng trẻ khi năm 1998 hai đứa con đầu là Ngô Thị Mai (SN 1981) và Ngô Xuân Long (SN 1985) sau khi học xong cấp 1 lần lượt bị bệnh tâm thần. Suốt ngày la hét, xé bỏ quần áo, lang thang khắp đầu đường xó chợ. Đặc biệt, mỗi lúc lên cơn, hai chị em lại tự đánh vào người mình, thân hình lúc nào cũng chi chít các vết bầm tím.
“Vợ chồng tui đã vét hết tiền bạc trong nhà đưa hai con đến BV Tâm thần Nghệ An chữa trị. Tuy nhiên, cứ sau mỗi đợt điều trị (khoảng hơn 1 tháng) xuất viện về quê ít ngày, bệnh tình hai đứa lại tái phát với mức độ nặng hơn”, bà Nhung nhìn hai đứa con nói trong nước mắt.
Bà Nhung cũng cho biết, mặc dù phát bệnh sau chị nhưng biểu hiện của Long nặng hơn người chị rất nhiều. Tất cả các hành động của Long đều thực hiện trong vô thức, bất kể thời tiết nóng bức hay giá lạnh quần áo trên người Long đều xé rách nát. “Nhiều lần cháu trèo cổng bỏ đi, tui phải tìm cả tháng trời mới thấy. Bất đắc dĩ, mấy năm nay tui đành nuốt nước mắt dùng sợi xích sắt xích con lại vì sợ con lại bỏ đi mất”, bà Nhung uất nghẹn.
Tai họa chưa dừng lại ở hai đứa con thì chồng bà cũng bỗng dưng phát bệnh tâm thần như các con. Từ một người đàn ông hiền lành, tốt bụng ông Thung trở thành một người hoàn toàn khác, suốt ngày chửi bới, khóc, cười một mình; thậm chí vác dao đuổi chém cả vợ con, hàng xóm láng giềng.
Bà Nhung thở dài: “Không hiểu vì sao ông ấy lại phát bệnh như vậy. Bình thường ông ấy rất hiền lành, nhưng mỗi lúc lên cơn điên người thân thiết cũng không nhận ra nữa. Bốn năm nay ông thường trốn lên gác chuồng trâu sau nhà để ở vì “dưới đất sợ bóng đèn đốt nóng chân”. Hết con rồi đến chồng lâm bệnh tui đau đớn vô cùng. Sao ông trời lại đày đọa gia đình tui đến mức này chứ”.
Chúng tôi nhìn vào gia cảnh của bà mà ứa nước mắt. Cứ đến bữa cơm bà Nhung lại lọ mọ đút từng thìa cho từng người con. Người chị tên Mai suốt ngày chui rúc trong góc giường, không còn ý thức về cuộc sống bên ngoài. Còn cậu em Ngô Xuân Long nằm trên tấm phản bằng gỗ đặt dưới góc bếp ẩm thấp với sợi dây xích sắt dưới chân, thân hình trần truồng nhai ngấu nghiến từng thìa cơm mẹ đút. Cứ thế, tất tần tật từ nấu ăn, giặt giũ, đút cho chồng, cho con ăn… đến việc vệ sinh cá nhân đều do bà Nhung cáng đáng.
“Mùa nóng còn đỡ chứ mùa lạnh thấy hai đứa con nằm co ro vì lạnh mà lòng tui quặn đau. Nhưng cứ mặc áo vào cho chúng được ít hôm lại xé rách nát”, người mẹ già buồn bã nói.

Được biết, mấy năm gần đây do già yếu lại phải chăm sóc chồng con nên bà Nhung đành phải cho người khác mượn ruộng làm để lấy ít lúa nuôi gia đình. Tài sản duy nhất của gia đình là 1 con bò cái cũng đã bị kẻ trộm lấy mất. Chút hy vọng còn lại của bà là đứa con gái út Ngô Thị Phương (SN 1990), đang làm công nhân trong Đồng Nai. Phương vốn dĩ sức khỏe cũng yếu nên chỉ kiếm đủ tiền nuôi bản thân, năm thì mười họa mới gửi được cho mẹ vài trăm nghìn mua thuốc cho anh, chị và bố.
Bà Nhung lo lắng: “Rồi mai mốt tui chết đi không biết chồng và hai đứa con phải bấu víu vào đâu. Ước gì chồng con tui có thể khỏi bệnh, tự chăm sóc được bản thân, như thế thì có nhắm mắt xuôi tay tui cũng yên lòng”.
Ông Hoàng Văn Hạ, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Xá cho biết: “Gia đình bà Nhung thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Một mình bà phải chăm sóc ba người điên nhưng chưa khi nào tôi thấy bà Nhung kêu than nửa lời. Người dân trong xóm dù muốn giúp đỡ thật nhiều nhưng vì nhà ai cũng nghèo khó cả nên chỉ hỗ trợ bà được bát gạo, bó rau ăn qua ngày. Chúng tôi rất mong qua Báo NNVN các nhà hảo tâm trong và ngoài nước quan tâm, hỗ trợ gia đình bà Nhung để bà vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Ban từ thiện hạnh nguyện cấp cô độc (chùa Phúc Thành), tài khoản 010100371091395 - Ngân Hàng Ngoại Thương TP Vinh, Nghệ An. Hoặc gửi về văn phòng Báo NNVN tại ĐBSCL, số 49 Lý Tự Trọng, TP.Cần Thơ, ĐT: 07103.834541, chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/25/127082/nhung-manh-doi-bat-hanh/30-nam-nuoi-chong-va-hai-con-tam-than.html

Quà Tặng Cuộc Sống - Thành Công Chẳng Ở Đâu Xa

12:10 |

[Thông Báo] Các Chương Trình Vào Ngày 14/7 Và 20/7

10:01 |

Chương trình diễn ra sắp tới vào ngày 14/7 và 20/7 năm 2014 như sau:

1) Chương trình "Sinh Hoạt Và Tổ Chức Trò Chơi Cho Thiếu Nhi Tại Phước Lộc" diễn ra vào thứ 2 ngày 14 tháng 7 năm 2014 như sau:
Thời gian tập trung:
+ 14h30 tập trung tại Nhà Văn Hóa Phước Lộc ( Gần ngã ba Đào Sư Tích và Nguyễn Bình )
+ 15h30 bắt đầu chuẩn bị các gian hàng trò chơi cho các thiếu nhi gồm:
                    * Vẽ tranh
                    * Ô Ăn Quan
                    * Câu Cá
                    * Đập heo
                    * Nem vòng vào chai
                    * 1 số trò chơi vận động khác...
+16h bắt đầu cho thiếu nhi sinh hoạt.
 2) Chương trình " Cộng Đồng " ngày 20 tháng 07 năm 2014 diễn ra tại trường THPT Long Thới như sau:
Thời gian tập trung:
+ Vào lúc 6h10' tập trung tại trường THPT Long Thới để chuẩn bị chương trình
Nội dung chương trình gồm:
       + Sơ cấp cứu.
       + Phát tờ rơi để tuyên truyền phòng chống các dịch bệnh trong hè cho cộng đồng.
       + Phụ khám bệnh tại nhà Thuốc Nam - Nhơn Đức
       + Trao phát quà cho người nghèo
       + Huấn luyện PCCC do cơ quan PCCC Huyện Nhà Bè huấn luyện.
Chú ý: Các bạn phải mặc áo trắng quần dài.

Quan trọng: Khi phát tờ rơi xong các bạn phải tập trung lại tại địa điểm cũ để nghe thông báo từ ban chỉ huy.

 Ban Chỉ Huy - Thanh Niên Chữ Thập Đỏ

[Thông Báo] Tham Quan Địa Đạo Củ Chi Và Thăm Trẻ Em Khuyết Tật Thiên Ân

18:54 |
     

Theo dự kiến của ban chỉ huy, Đội Thanh Niên Xung Kích Chữ Thập Đỏ Huyện Nhà Bè sẽ thăm quan địa đạo Củ Chi và trao quà cho trẻ khuyết tật Thiên Ân tại Củ Chi.

Thông qua hoạt động lần này chúng ta sẽ có dịp thăm quan hầm và ăn khoai mì. Thú vị hơn nữa chúng ta sẽ được tắm suối trong mát. Không chỉ vui chơi giải trí mà chúng ta được ôn lại lịch sử đấu tranh giữ nước đầy hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung và Củ Chi nói riêng. Thắp hương các anh hùng liệt sĩ để tưởng nhớ công lao to lớn của các anh.

Chi tiết:
Ngày 20/7 (khoảng 1 tháng nữa) sẽ diễn ra chuyến đi từ thiện - thăm trẻ em khuyết tật tại mái ấm Thiên Ân ( Củ Chi) kết hợp với dã ngoại - tham quan địa đạo Củ Chi do Đội Thanh Niên Xung Kích Chữ Thập Đỏ Huyện Nhà Bè tổ chức.
Chúng ta sẽ đăng kí tham gia bằng hình thức mua vé giá 155.000 đồng/ 1 vé/ 1 người. Trong đó bao gồm chi phí di chuyển, tiền quyên góp ủng hộ trẻ em khuyết tật ở mái ấm Thiên Ân, vé vào cổng địa đạo Củ Chi, nước uống trong suốt chuyến đi....v.v...
Các bạn thanh niên mua vé vui lòng liên hệ trực tiếp: Mr. Lê Phúc Hậu - 01889980963,01695851699 và Mr. Hồ Quốc Trí - 01684165001. 
Chúng ta sẽ đi xe du lịch 50 chỗ. Địa điểm tập trung. Khi bán vé cho các bạn rồi sẽ dặn dò địa điểm tập trung cũng như thời gian đón các bạn.
Thời gian đăng kí: 18/6/2014 - 19/7/2014
Nội dung chương trình:
+ 6h : xe xuất phát từ mũi Hiệp Phước và đón các bạn.
+ 9h : đến mái ấm Thiên Ân - thăm hỏi và tặng quà cho các em khuyết tật
+ 12h : kết thúc chương trình ở mái ấm Thiên Ân và di chuyển đến địa đạo Củ Chi.
+ 13h : đến địa đạo. Dùng cơm trưa và tham quan địa đạo, tham gia trò chơi lớn.
+ 17h : kết thúc chương trình và xe xuất phát đưa các bạn về. 
Lưu ý : Đội Thanh Niên Xung Kích Chữ Thập Đỏ Huyện Nhà Bè là 1 tổ chức phi lợi nhuận. Được xây dựng nhờ vào tình bạn, tình nhân ái và lòng yêu nước, mục đích hướng về người có hoàn cảnh khó khăn người già neo đơn và trẻ em khuyết tật. Cái chúng ta nhận lại được chỉ là niềm vui thôi, và được nhìn thấy các em thiếu nhi cười. Mong các bạn tham gia nhiệt tình nhé.
Các bạn cũng có thể rủ thêm bạn bè của mình cùng tham gia, tất nhiên là nên đăng kí sớm vì số vé là có hạn.






Ban Chỉ Huy

Thăm Người Cao Tuổi Ở Trung Tâm Dưỡng Lão Thị Nghè - Quận Bình Thạnh

14:32 |
            Ngày qua ngày khi chiến tranh kết thúc cuộc sống yên bình diễn ra trên đất Việt sau bao năm đấu tranh giành lại độc lập. Thời gian qua đi chiến tranh dần vào quên lãng và đó chỉ còn là quá khứ nhưng sự mất mác vẫn còn đó, vẫn còn trong kí ức và tâm trí của những con người đi qua chiến tranh và sống trong hiện tại. Cuộc sống dần trôi đi nhưng hình ảnh vẫn in đậm tao chiến tích chiến tranh bao đau thương của những người hi sinh vì tổ quốc. Những cụ trong Trung Tâm Dưỡng Lão Thị Nghè - Quận Bình Thạnh là con người thầm lặng khi chiến tranh qua đi và còn đâu đó vương động những kí ức nhạt nhòa.

Ảnh: Bạn Nhi đang giúp cụ ăn trưa.

             Để phát huy truyền thống " Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" của những người có công với tổ quốc. Ngày 4/5/2014 Đội Thanh Niên Xung Kích Chữ Thập Đỏ Huyện Nhà Bè đã đến thăm hỏi và tặng quà cho các cụ ở Trung Tâm Dưỡng Lão Thị Nghè - Quận Bình Thạnh của Tp.Hồ Chí Minh. Chúng tôi lên kế hoạch để đi thăm các cụ tại đây. Các cụ khi gặp chúng tôi các cụ vui lắm, chúng tôi hỏi thăm sức khỏe các cụ, đúc cơm cho các cụ ăn và xem họ như là người ông người bà mà chúng tôi kính trọng nhất. Được nghe các chiến tích hào hùng của các cụ kế, được nghe các cụ hát các bản chiến ca,... Cứ thế niềm vui càng dâng lên, chúng tôi cười mà nghẹn ngào nước mắt khi rất thương các cụ mỗi người một hoàn cảnh.
Hồ Quốc Trí
Hình ảnh:



xem thêm ảnh tại mục Media>Hình Ảnh
Video:
(Đang cập nhật. các bạn thông cảm nhé!)



Thông Tin Về Trung Tâm Dưỡng Lão - Thị Nghè:
Sau hơn 9 tháng mở thêm dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè đã tiếp nhận 34 cụ. Nhưng, không phải cụ nào cũng được vào đây để được chăm sóc. Theo Sở Lao động, Thương binh & Xã hội TP HCM, hiện nay trên địa bàn TP có rất nhiều trung tâm dưỡng lão, nhưng hầu hết chỉ nhận nuôi dưỡng các đối tượng chính sách, hoặc những người già cơ nhỡ không nơi nương tựa, người tàn tật. Ngoài ra, trực thuộc Sở còn có một trung tâm nhận chăm sóc người già nữa nhưng nằm ở Bình Dương. Ngoài những người có công với cách mạng, cán bộ hưu trí neo đơn được nuôi dưỡng miễn phí, các trung tâm này còn nhận nuôi dưỡng, chăm sóc theo dịch vụ.
Địa chỉ:153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh
Số điện thoại: (08) 8995638

Mái Ấm Bé Thơ - Biên Hòa - Đồng Nai

10:38 |


Ngày 29-12-2012, Tình nguyện Đội Thanh Niên Xung Kích Huyện Nhà Bè có trao các phần quà gồm áo, tập vở, sách học,... đến các em có hoàn cảnh khó khăn với cuộc sống hiện đại bây giờ đồng thời thể hiện truyền thống " Lá lành đùm lá rách "  của Việt Nam. Mong các nhà hảo tâm có thể chung tay xây dựng một mái ấm.




Ý nghĩa của ngày Quốc Tế Thiếu Nhi 1/6

10:32 |
(ĐSPL) – Quốc tế thiếu nhi 1/6 là ngày tết của trẻ nhỏ và cũng là dịp để các bậc cha mẹ đã thể hiện tình yêu thương dành cho các con nhân ngày lễ đặc biệt này.
Quốc tế thiếu nhi là một sự kiện hay một ngày lễ dành cho thiếu nhi được tổ chức vào ngày 1/6 hàng năm. Đây là dịp thế giới đấu tranh chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, bảo vệ nhi đồng và là ngày đoàn kết thiếu nhi quốc tế.

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em.
Lịch sử ra đời

Vào rạng sáng ngày 1/6/1942, bọn phát xít Đức bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc), chúng bắt 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng đã tàn sát dã man 66 người và đưa 104 em thiếu nhi vào trại tập trung, 88 em đã bị chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít. Làng Li-đi-xơ không còn một bóng người. Hai năm sau, ngày 10/6/1944, bọn phát xít Đức lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp), chúng dồn 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em, phóng hỏa đốt cháy một cách thảm thương.

Với trách nhiệm thiêng liêng và cao quý của mình, năm 1949 Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm ngày quốc thế bảo vệ thiếu nhi, nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng.

Tiếp theo, tháng 4/1952 tại Viên (thủ đô nước Áo) đã có cuộc họp quốc tế bảo vệ thiếu nhi. Hội nghị này đã yêu cầu tất cả chính phủ các nước đặt ra pháp luật cho nước mình nhằm đảm bảo hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em, đòi cấm dùng những phát minh khoa học vào mục đích chiến tranh.
Đến năm 1955, đại hội các bà mẹ của hầu hết các nước trên thế giới họp tại Mátxcơva (Nga) đã tố cáo bọn đế quốc âm mưu gây lại chiến tranh và kêu gọi các bà mẹ khắp năm châu xiết chặt thêm hàng ngũ đấu tranh cho một nền hoà bình bền vững trên đất nước.
Từ đó đến nay, những tổ chức phụ nữ thanh niên ở các nước đã lấy ngày 1/6 làm ngày biểu dương lực lượng đấu tranh chống các thế lực gây chiến tranh để bảo vệ hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em trên thế giới.
Ngày Quốc tế thiếu nhi ở Việt Nam
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em - Văn kiện pháp lý Quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt. Từ 15/5 đến 30/6 được coi là Tháng Hành động vì trẻ em Việt Nam.
Ở nước ta, ngay sau khi giành được độc lập, ngày 1/6 và Tết Trung thu (15/8 âm lịch) hàng năm đã thật sự trở thành ngày hội vui chơi tưng bừng của thiếu nhi cả nước. Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên (1/6/1950) trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trải qua thời kỳ cam go ác liệt nhất, nhưng Bác Hồ kính yêu vẫn luôn nghĩ tới thiếu nhi cả nước, Bác gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng. Bác viết: “Bác thương các cháu lắm, Bác hứa với các cháu rằng đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể sẽ cố gắng làm cho các cháu dần dần được no ấm, được vui chơi, được học hành, được vui sướng…”.
Bác Hồ và các em thiếu nhi Việt Nam.
Cũng từ đó, hàng năm cứ đến ngày Tết thiếu nhi và Tết Trung thu, thiếu nhi cả nước ta lại hân hoan đón thư chúc mừng của Bác Hồ. Bác Hồ luôn hết sức quan tâm, dạy bảo các cháu nên người, trong đó 5 Điều Bác dạy thiếu niên nhi đồng đã trở thành nội dung giáo dục đối với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Tác Giả: Minh Khôi
Nguồn:http://www.doisongphapluat.com/doi-song/nguon-goc-va-y-nghia-cua-ngay-quoc-te-thieu-nhi-16-a34626.html#.U4f51yjl5Hk